Nguy hiểm tiềm tàng khi lạm dụng thuốc bổ ở trẻ nhỏ

Theo quan điểm chung của nhiều người, cứ dùng thuốc bổ là sẽ tốt. Tuy nhiên, thuốc bổ cũng là “con dao hai lưỡi” nếu như quá lạm dụng nó có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ có hại đối với trẻ nhỏ.

Thuốc bổ sẽ là “con dao hai lưỡi” nếu như quá lạm dụng

Thuốc bổ nói chung là thuốc được bào chế nhằm cung cấp những dưỡng chất cơ thể bị thiếu hụt, giúp bồi dưỡng cho cơ thể, tăng cường sức khỏe, giảm mệt mỏi, giúp ăn ngon, ngủ được,…

Bởi nhu cầu sức khỏe của con người ngày một gia tăng nên thị trường thuốc bổ cũng theo đó mà ngày một sôi động hơn rất nhiều; bây giờ khi đến bất cứ cơ sở phân phối dược phẩm nào bạn cũng có thể tìm thấy hàng trăm loại thuốc bổ với nhiều mẫu mã khác nhau, với nhiều công dụng: tăng sức đề kháng, tăng chiều cao, giúp trẻ thông minh,… điều này khiến không ít phụ huynh tin tưởng và lạm dụng chúng.

Trẻ em luôn là đối tượng được đặc biệt quan tâm về sức khỏe, cũng chính vì thế mà đã có nhiều quan niệm sử dụng thuốc bổ cho trẻ sai lầm đang xuất hiện ngày một phổ biến.

Sử dụng thuốc bổ không đúng cách có thể gây ra những tác dụng ngoài mong muốn như: làm tăng hormone ở trẻ dẫn đến việc dậy thì sớm, chán ăn, chướng bụng, buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón, một số trường hợp sẽ xuất hiện các triệu chứng: chảy máu cam, khô họng, đau họng, thậm chí béo phì, tăng huyết áp,… gây nhiều sự ảnh hưởng đến quá trình phát triển tự nhiên của trẻ.

Sử dụng thuốc bổ không đúng cách có thể gây ra những tác dụng ngoài mong muốn

Theo ý kiến của các Dược sĩ, nếu dùng thuốc bổ không đúng cách, chúng có thể gây nên một số tác dụng ngược. Trẻ uống Calci liều cao kéo dài có thể gây sỏi thận, làm giảm hấp thu các chất khoáng như sắt, kẽm, magie, phosphor.

Uống nhiều sắt có thể khiến trẻ bị táo bón. Những Vitamin như A, D, E, K khi tan trong dầu mỡ có thể gây ngộ độc nếu dùng dồn dập cơ thể trẻ không kịp thải ra có thể gây nguy hại cho gan. Nguy hiểm hơn, ngộ độc Vitamin A có thể dẫn đến tăng áp lực nội sọ, Vitamin D khiến trẻ bị táo bón. Trẻ sử dụng quá nhiều Vitamin C có thể gây sỏi thận. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị dị ứng với Vitamin nhóm B, thường là: B6, B1, B12.

Ta không thể phủ nhận những lợi ích mà thuốc bổ mang lại tuy nhiên, nếu ta không sử dụng đúng cách thuốc bổ có thể trở thành “thuốc độc” bất cứ lúc nào; một trong những tác dụng phụ mà thuốc bổ gây ra nếu ta sử dụng quá liều thường là rối loạn tiêu hóa (đau bụng, nôn ói, tiêu chảy); chóng mặt, nhức đầu, buồn ngủ; biếng ăn (do mất căng bằng chất dinh dưỡng);…

Theo các Dược sĩ: Không nên tùy tiện dùng thuốc bổ cho bé. Các bà mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa cách dùng thế nào, trong bao lâu, liều lượng ra sao,… Hơn nữa, các bậc phụ huynh còn cần cung cấp cho bác sĩ những thông tin cần thiết về những loại thuốc mà trẻ đang sử dụng, đặc biệt là thuốc chống đông, những loại thuốc điều trị và thuốc bổ mà trẻ từng bị dị ứng trước đó.

Không nên tùy tiện dùng thuốc bổ cho bé

Các bậc cha mẹ nên lưu ý cho trẻ uống thuốc bổ vào ban ngày càng tốt nhất là buổi sáng. Những loại Vitamin đơn lẻ có thể uống trước hay sau bữa ăn. Còn với các loại đa đa sinh tố (multivitamin) nên được uống sau ăn thì sẽ ít gây khó chịu cho trẻ hơn.

Thuốc bổ thường được điều chế với nhiều hình dạng và có mùi vị như kẹo do đó bố mẹ nên để thuốc ở những vị trí mà trẻ không vớ đến được. Với những trẻ lớn hơn nên cho trẻ biết đó là thuốc, không phải kẹo để tránh việc tự tiện dùng quá liều dẫn đến những hậu quả không mong muốn.

Bình luận ở “Nguy hiểm tiềm tàng khi lạm dụng thuốc bổ ở trẻ nhỏ

  1. Pingback: 4 Nguyên tắc sử dụng thuốc an toàn | Ngành dược

  2. Pingback: Thuốc Decolgen đặc tính và cách sử dụng | Ngành dược

Đã đóng bình luận