Những mũi tiêm “vàng”

Dạo gần đây làn sóng anti- vắc xin xuất hiện bên cạnh những phản ứng sau khi tiêm vắc xin, một số ca sốc phản vệ, trẻ tử vong đã khiến cho người dân hoang mang, lo sợ. Nhiều bà mẹ từ chối vắc xin cho con, dẫn đến việc trẻ mắc phải những căn bệnh nguy hiểm.

Những mũi tiêm vàng cứu sống trẻ khi bị sốc phản vệ
Những mũi tiêm vàng cứu sống trẻ khi bị sốc phản vệ

Theo Bộ Y tế, các chuyên gia y tế dự phòng, trong một vài năm gần đây, đặc biệt từ 2017 đến nay, quy trình cấp cứu trẻ sốc phản vệ sau tiêm chủng đã được triển khai trên khắp cả nước. Những mũi tiêm “vàng” đã cứu sống nhiều trẻ sốc phản vệ.

Một trường hợp tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, bằng quy trình xử trí sốc phản vệ khoa học đã cứu sống bệnh nhi gặp phản ứng sau tiêm vắc xin CmBE Five. Cụ thể là vào cuối năm 2018, tại xã Đại Đức huyện Vị Xuyên có một trường hợp sau khi tiêm vắc xin ComBE Five đã xuất hiện tình trạng sốc phản vệ.

Cháu bé có những triệu chứng: tím tái, khó thở, rơi vào tình trạng nguy hiểm khiến gia đình bé vô cùng hoảng loạn, các cán bộ y tế cũng rất lo lắng. Thế nhưng, chính việc tuân thủ đúng quy trình xử lý sốc phản vệ của Bộ Y tế đã cứu sống cháu bé.

Nhiều trường hợp trẻ bị sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin
Nhiều trường hợp trẻ bị sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin

Từ trường hợp trên, ông Nguyễn Văn Dũng – PGĐ Trung tâm Y tế huyện Vị Xuyên – tỉnh Hà Giang chia sẻ: “Khi thấy cháu bé có biểu hiện sốc phản vệ, ngay lập tức, chúng tôi đã xử trí sốc phản vệ theo đúng hướng dẫn, đúng phác đồ theo Thông tư 51 của Bộ Y tế. Sau đó, cháu bé được chuyển đến bệnh viện và dần ổn định. Từ khi triển khai tiêm vắc xin 5 trong 1 thì đó là trường hợp sốc phản vệ duy nhất, khiến các y bác sĩ cũng “hú hồn”. Còn một số các cháu gặp phải phản ứng nhẹ thì cũng được xử lý ngay”.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên trẻ được cứu sống nhờ quy trình xử lí sốc phản vệ sau khi tiêm chủng được Bộ Y tế đưa ra.

“Kỹ năng xử trí tại chỗ cực kỳ quan trọng, chúng tôi cử các cán bộ y tế ở tuyến huyện đi học, sau đó về tổ chức tập huấn lại cho các cán bộ y tế tuyến xã. Trong các bàn tiêm vắc xin đều có hộp cấp cứu chống sốc, trong đó có đầy đủ phương tiện, thuốc men theo đúng hướng dẫn tại Thông tư 51”- ông Dũng nói tiếp.

Tại trạm y tế xã Thượng Sơn, hộp cấp cứu chống sốc được trang bị tại mỗi  bàn tiêm chủng
Tại trạm y tế xã Thượng Sơn, hộp cấp cứu chống sốc được trang bị tại mỗi bàn tiêm chủng

PGS.TS. Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay: “Hiện nay các y bác sĩ tại các điểm tiêm, cả tuyến xã, rất mạnh dạn tiêm Aderenaline, thậm chí chỉ cần nghi ngờ là được tiêm, chỉ cần nghĩ đến là sốc phản vệ, thì cán bộ nhân viên y tế đã được phép áp dụng quy trình xử trí này, tiêm ngay cho trẻ một mũi tiêm Adrenaline (loại thuốc cơ bản để chống sốc phản vệ)”.

Đối với bà Hồng đây thực sự là “mũi tiêm vàng” đối với mạng sống trẻ. “Và tiêm theo đúng quy định thì sẽ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ. Mũi tiêm đó vô cùng có giá trị. Hầu như các cháu gặp phản ứng nặng sau tiêm vắc xin thoát được tử vong thì đều đã được xử trí tiêm mũi này từ tuyến xã”- bà chia sẻ thêm.