Kiến thức kỹ năng
Tai hại với suy nghĩ: Mật ong là “thần dược”
Nhiều người tin rằng việc bạn thay thế hoàn toàn đường bằng mật ong là vô cùng tốt cho sức khỏe nhưng đáng buồn đó lại là một quan điểm vô cùng sai lầm. Đối với bất cứ thứ gì, sử dụng có liều lượng nhất định sẽ tốt hơn nhiều so với việc bạn lạm dụng nó.
Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Queen Mary (Anh) đã đưa ra một kết luận gây chấn động sau khi phân tích hơn 223 loại sản phẩm ngọt bấy lâu vẫn được xem là “tốt” hơn đường ăn thông thường, đó là: Mật ong thực chất cũng chỉ là một loại đường, vì vậy dùng nó quá nhiều sẽ không làm sức khỏe bạn tốt hơn mà nó chỉ khiến bạn mắc phải nhiều căn bệnh do việc lạm dụng đường mà thôi.
Đa phần mọi người vẫn thường lầm tưởng về tác dụng “thần dược” của mật ong không chỉ đối với sức khỏe mà còn đối với nhan sắc của chị em phụ nữ.
Sau khi áp dụng tiêu chuẩn dựa trên đường tự do (free sugars), được định nghĩa bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) về chuẩn mực để tính lượng đường thực chứa trong thực phẩm ngọt, bao gồm các loại đường như sucrose, glucose, fructose, dextrose…, nhóm khoa học gia đã chứng minh thế nào mới là ăn, uống nhiều đường.
Theo nghiên cứu thực nghiệm, với một tách trà, khi bạn bỏ 1 muỗng mật ong (7g) thì bạn đang tiêu thụ 6g đường tự do, trong khi đó ở đường bình thường chỉ là 4g đường tự do.
Trưởng nhóm nghiên cứu Queen Mary đã đã khuyến cáo: hạn chế đường không chỉ là hạn chế mía đường, mà còn là việc cắt giảm sử dụng cả mật ong, xi rô và các thứ có vị ngọt khác vì bản chất chúng vẫn là đường. Chuyên gia dinh dưỡng Katharine Jenner cũng có lời khuyên về việc cần cẩn trọng với một số lời khuyên dinh dưỡng trên các blog hay mạng xã hội.
Bên cạnh một số tác dụng có thật của mật ong đối với việc điều trị các chứng ho khan, ho có đờm thì chưa có bất cứ ý kiến chính thống nào về khả năng “chữa bách bệnh” của mật ong.
Cũng như nhiều loại thực phẩm khác, mật ong cũng có những mặt lợi và mặt hại riêng. Không nên vì một số lời khuyên sai lầm mà bạn “mù quáng” trong việc sử dụng bất cứ thực phẩm nào. Thực phẩm chỉ có tính bổ sung, không có tính thay thế nên bạn nên cung cấp đầy đủ các chất thay vì việc, lạm dụng quá mức một thực phẩm nào đó.