Những câu hỏi hay về tuyển sinh đại học ngành dược 2019

Khi đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao thì nhu cầu về chăm khóc sức khỏe cũng ngày càng tăng theo. Bởi vậy, trong những năm trở lại đây những ngành thuộc khối Khoa học Sức khỏe luôn thu hút được sự quan tâm và đăng ký theo học của rất nhiều các bạn trẻ, trong đó đặc biệt phải kể đến là ngành Dược – ngành hỗ trợ người dân trong việc tư vấn và sử dụng thuốc. Trước thềm tuyển sinh, cùng giải đáp một số thắc mắc của các bạn trẻ về ngành Dược nhé!

Sinh viên ngành Dược - Đại học Duy Tân học tập tại Nhà thuốc Mô phỏng của trường
Sinh viên ngành Dược – Đại học Duy Tân học tập tại Nhà thuốc Mô phỏng của trường

1 – Học ngành Dược thi xét tuyển khối nào?

Trước kia, khi chưa có sự thay đổi trong công tác tuyển sinh thì để trở thành sinh viên đại học ngành Dược, các sĩ tử phải “chinh phục” được các môn thuộc khối Khoa học Tự nhiên là: Toán, Lý, Hóa, Sinh. Tuy nhiên, ngoài việc giỏi chuyên môn và vững nghiệp vụ, một Dược sĩ cũng cần đảm bảo được đạo đức nghề nghiệp. Thế nên, những năm trở lại đây Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có những thay đổi trong công tác tuyển sinh đối với ngành Dược.

Cụ thể, bên cạnh khối Khoa học Tự nhiên đã mở rộng thêm các khối thi/xét tuyển của ngành Dược bao gồm cả môn Văn của khối Xã hội nhằm giúp các Dược sĩ tương lai nâng cao được tinh thần nhân văn, tương thân tương ái.

Chẳng hạn như ở Đại học Duy Tân, khi đăng ký theo học ngành Dược các thí sinh có thể chọn một trong những tổ hợp môn sau đây để xét tuyển:

– Xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT Quốc gia: Toán, Lý, Hoá (A00)/ Toán, KHTN, Văn (A16)/ Toán, Hoá, Sinh (B00)/ Toán, Sinh, Văn (B03).

– Xét tuyển theo kết quả học bạ năm lớp 12: Toán, Lý, Hoá (A00)/ Toán, Hoá, Sinh (B00)/ Toán, Sinh, Văn (B03)/ Văn, Toán, Hoá (C02).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

2 – Ngành Dược cung cấp cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng gì?

Chương trình đào tạo ngành Dược sĩ ở các trường đại học sẽ cung cấp cho sinh viên một nền tảng kiến thức từ cơ bản đến chuyên ngành như:

– Sản xuất và phát triển thuốc (các phương pháp sản xuất nguyên liệu làm thuốc, xây dựng công thức, bào chế, sản xuất các dạng thuốc thông thường)

– Dược lâm sàng (Tư vấn và hướng dẫn sử dụng thuốc)

– Quản lý và kinh tế dược (Quản lý, kinh doanh, cung ứng trong lĩnh vực Dược)

– Đảm bảo chất lượng thuốc (Đảm bảo chất lượng thuốc và các phương pháp đánh giá chất lượng dược phẩm)

– Dược liệu và Dược cổ truyền (Bảo tồn, khai thác, nuôi trồng, chế biến và sản xuất các thuốc có nguồn gốc dược liệu)

 Bên cạnh đó, sinh viên ngành Dược cũng sẽ nắm vững được những kỹ năng nghề nghiệp thiết yếu như:

– Kỹ năng Tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý cho nhân viên y tế và bệnh nhân.

– Thực hiện được các phương pháp, các chức năng quản lý và kinh tế dược trong lựa chọn, mua sắm, phân phối, sử dụng thuốc và các dịch vụ y tế phù hợp với từng địa phương, đơn vị.

– Đo lường và xử lý các số liệu trong quá trình đảm bảo chất lượng thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.

– Phân biệt và nhận thức được các loại dược liệu, chế biến, sản xuất, tư vấn và hướng dẫn sử dụng một số dược liệu và chế phẩm có nguồn gốc dược liệu.

 3 – Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ngành dược?

Sinh viên tốt nghiệp ngành Dược có rất nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn. Cụ thể:

– Dược sĩ Lâm sàng: làm việc tại các bệnh viện với trách nhiệm cung ứng đảm bảo chất lượng và số lượng thuốc, tham vấn với Bác sĩ trong việc kê toa,… 

– Dược sĩ Bào chế: nghiên cứu qui trình sản xuất thuốc tại các cơ sở sản xuất.

– Dược tá: kinh doanh, buôn bán tại các cơ sở quầy thuốc bán lẻ, bán buôn hay các công ty nhập khẩu.

– Chuyên viên trong các công ty về Dược: đảm nhiệm các vị trí công tác dược trong các cơ quan quản lý, cơ sở điều trị, sản xuất kinh doanh, kiểm tra giám sát chất lượng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng 

– Giảng viên Y Dược: giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý các đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học chuyên ngành dược.