Tin tức ngành dược
Vốn ngoại “rót” vào ngành Dược nước ta
Là thị trường mới nổi song Việt Nam nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nước bạn. Theo đó thu hút được một lượng lớn các đối tác ngoại tạo cơ hội cho các doanh nghiệp dược ở Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh, đồng thời tạo động lực phát triển ngành Dược quốc gia.
Gần đây, giới kinh tế nước ta đang đặc biệt quan tâm đến hiện tượng các nhà đầu tư nước ngoài “rót” vốn mạnh vào ngành dược. Theo cuộc khảo sát của hãng tư vấn Grant Thornton thực hiện vào đầu năm 2017 cho thấy rằng: Y tế, dược phẩm tiếp tục nằm trong top 3 ngành thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, chỉ xếp sau thực phẩm, đồ uống và bán lẻ.
Nhộn nhịp thị trường cổ phần
Bằng việc liên tục mua cổ phần của các công ty dược phẩm trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang gia tăng sự hiện diện của mình tại Việt Nam.
Trong thời điểm đó, nhiều thương vụ giao dịch “khủng” đã diễn ra với mức góp vốn khổng lồ, đẩy giá cổ phiếu dược phẩm nước ta lên cao.
Ông Phan Hữu Thắng – nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: thông qua việc góp vốn mua cổ phần, nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường Việt Nam nhanh hơn vì không phải xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, không cần qua nhiều thủ tục rườm rà. Vì vậy, ngay cả khi đầu tư theo hình thức này tại thời điểm giá cổ phiếu cao, chi phí đắt hơn nhưng vẫn không bị thiệt thua lỗ vì tiết kiệm được thời gian và nhanh hoàn vốn cũng như sinh lời.
Đối với ngành dược phẩm, đây là bước đi khôn ngoan vì theo các cam kết hội nhập của Việt Nam, các hãng dược phẩm nước ngoài không được phép trực tiếp phân phối thuốc tại thị trường nội địa. Do đó, việc mua cổ phần của các công ty dược trong nước sẽ là chiến lược vô cùng hoàn hảo, vừa có thể chuyển giao công nghệ sản xuất vừa phân phối được thuốc vào thị trường Việt Nam.
Cần giữ thương hiệu Việt
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, khi quyết định mua nhà máy hay công ty dược trong nước, các công ty đa quốc gian không hề đặt mục đích sở hữu cơ sở vật chất mà nhắm tới thị trường kinh doanh mà công ty họ mua đang nắm giữ.
Xu hướng vốn ngoại chảy mạnh vào ngành dược Việt Nam được nhận thấy chính là cơ hội để các doanh nghiệp dược trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển ngành dược của quốc gia. Song, các doanh nghiệp Việt Nam phải luôn thận trọng trước các điều kiện kèm theo của các công ty nước ngoài để tránh nguy cơ đánh mất thị trường dược vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Không chỉ dừng lại ở đó, tại nhiều vùng trồng dược liệu, người lao động đa phần là dân tộc thiểu số, doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian và công sức để hướng dẫn họ thay đổi tập quán trồng trọt, chăm sóc cây dược liệu. Khi được đầu tư vốn ngoại, nếu doanh nghiệp Việt Nam không chia sẻ chiến lược phát triển bền vững của công ty để đi đường dài mà chỉ quan tâm đến những sản phẩm sinh lợi ngay thì rất khó để đầu tư mạnh cho dược phẩm Việt.
Để thuốc Việt được tiếp cận đến rộng rãi dân chúng trong nước hơn thì rất cần sự nỗ lực của các doanh nghiệp dược phẩm Việt. Cùng với đó là những chính sách để thuốc có nguồn gốc dược liệu sạch trong nước được sử dụng rộng rãi tại các bệnh viện trong nước.