Tin tức ngành dược
Ngành Dược trong thời đại số hóa
Vào khoảng cuối năm ngoái, trong khuôn khổ chương trình triển lãm y tế quốc tế Việt Nam diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia thuộc các doanh nghiệp (DN) ngành Y – Dược đã nói khá nhiều về những cơ hội cũng như thách thức của DN ngành dược trước sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.
Trong buổi triển lãm các DN ngành Y – Dược đã cùng nhau thảo luận để đưa ra những chiến lược kinh doanh hợp lý, những ứng dụng giải pháp quản trị song hành cùng các chiến lược công nghệ.
Chiến lược “Số hóa quá trình sản xuất”
Theo quan sát của nhiều chuyên gia, tất cả các ngành công nghiệp đang dịch chuyển mạnh mẽ dựa trên nền tảng của công nghệ, tạo ra những xu hướng mới trong ngành, tác động mạnh mẽ đến các xu hướng cạnh tranh và phát triển bền vững của từng DN. Đi theo chiều hướng đó sự ra đời của xu thế Pharma 4.0 (công nghệ dược trong CMCN 4.0) là điều tất yếu.
Pharma 4.0 đòi hỏi sự chuyển đổi trọng tâm từ quá trình sản xuất dược phẩm dựa trên những thông số cố định chuyển sang quá trình sản xuất dựa trên đánh giá và kiểm soát liên tục các thông số. Bằng cách đó, các thông số được tự động điều chỉnh bằng cơ sở dữ liệu và thông tin kết nối từ các hệ thống của toàn bộ quá trình.
Tuy nhiên, thực tế là ở Việt Nam hiện nay vẫn có gần 200 nhà máy chưa thể hoàn thiện việc số hóa quá trình sản xuất. Chủ yếu các DN vẫn đầu tư vào các thiết bị riêng lẻ và lắp ghép từng phần thành dây chuyền sản xuất. Điều này khiến quá trình điện toán hóa/ số hóa trở nên khó khăn. Khi có bất cứ sự cố nào thì việc khắc phục sẽ vô cùng khó khăn và mất thời gian.
Đặc biệt, ta cần có các yếu tố kinh tế – xã hội làm nền tảng cho nền công nghiệp số hóa thông qua hệ thống pháp luật, quy chế thích ứng với nền kinh tế và công nghiệp số hóa.. Đối với các DN Dược, để tham gia hội nhập CMCN 4.0 thì môi trường chính sách quản lý cần rõ ràng.
Định hướng công nghệ cho DN Dược
Hiện nay các công ty dược đang phải đối diện với quá nhiều thách thức trong công tác quản trị. Thách thức đến từ các đối thủ cạnh tranh, thách thức đến từ các hoạt động nhằm tối ưu hóa chi phí bán hàng, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới,… Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đến từ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt bắt buộc phải tuân thủ tuyệt đối trong ngành dược: GMP,GSP, GLP, GDP, USFDA 21 CFR, GAMP 5…
Mỗi DN có một năng lực khác nhau chính vì vậy cần có những định hướng công nghệ phù hợp để lựa chọn đầu tư cho hiệu quả, tiết kiệm tối đa thời gian và tiền bạc. Trong đó, ERP (Enterprise resource planning software) là một giải pháp phần mềm với mục đích hỗ trợ việc quản trị một DN.ERP không chỉ đơn giản là một phần mềm mà nó còn là một phương tiện tạo ra nhiều trải nghiệm cho DN.
Không có bất cứ DN nào có thể đi tắt đón đầu mà phải luôn có một lộ trình rõ ràng, nền tảng cốt lõi trước khi song hành cùng các nền tảng ứng dụng công nghệ cao hơn, phù hợp với xu hướng CMCN 4.0 của tương lai. Trong đó, DN dược Việt cần có những giải pháp chuyên ngành, được học tập theo các tập đoàn lớn đi trước đã ứng dụng.