Cơ hội nghề nghiệp
Các chuyên ngành trong ngành Dược
Hầu hết ai cũng biết “dược” là công việc liên quan đến nghiên cứu thuốc. Tuy nhiên, bạn đã thực sự hiểu hết về ngành Dược hay chưa? Thực chất, đây là lĩnh vực liên quan đến khoa học ứng dụng, nghiên cứu hai lĩnh vực chủ đạo, bao gồm nghiên cứu mối liên hệ giữa cơ thể con người với cách thức hoạt động của các loại thuốc và nghiên cứu về cách sử dụng thuốc để điều trị bệnh. Dưới đây sẽ là những thông tin liên quan đến các chuyên ngành trong ngành Dược mà bạn nên biết.
Ngành Dược học những gì?
Sinh viên ngành Dược sẽ được trang bị khối kiến thức khoa học cơ bản, dược học cơ sở và kiến thức chuyên ngành để có kiến thức và kỹ năng chuyên môn đầy đủ về Dược học.
Vậy liệu bạn có thắc mắc ngành Dược học những môn gì? Ngoài các môn đại cương, dưới đây là danh sách một số môn chuyên ngành mà bạn sẽ được học trong những năm tháng đại học:
- Hóa lý, Hóa học hữu cơ, Hóa dược, Hóa sinh
- Miễn dịch học
- Vi trùng học
- Dược học
- Cơ chế tác dụng của thuốc
- Giải phẫu người & Hệ thần kinh
- Thực hành Dược
- Bào chế và sinh dược học
- Nghiên cứu và phát triển thuốc
Các chuyên ngành trong ngành Dược
Không có đáp án nào chính xác nhất dành cho câu hỏi “Học ngành Dược nên học chuyên ngành nào?” bởi Dược học được chia thành 5 chuyên ngành chính: Dược lâm sàng, Dược liệu và Dược học cổ truyền, Kiểm định chất lượng, Sản xuất và phát triển thuốc, Quản lý cung ứng thuốc.
Mỗi chuyên ngành đều có những thú vị riêng. Cùng so sánh 5 chuyên ngành đó để tìm ra câu trả lời:
- Dược lâm sàng: Chuyên ngành này tìm hiểu sâu về hoá dược (tính chất vật lí, tính chất hoá học và dược học của các phân tử thuốc) và dược lý (gồm các kiến thức về dược lực học và dược động học của phân tử thuốc).
- Dược liệu và dược học cổ truyền: Cung cấp cho sinh viên cái nhìn đa chiều về tính chất của những hợp chất thiên nhiên có tính sinh học, định tính và định lượng chúng vào trong dược liệu, cách phân loại, sử dụng cũng như bảo vệ nguồn tài nguyên như: động vật, cây thuốc có thể sử dụng trong quá trình sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng,..
- Kiểm định chất lượng: Bạn sẽ được trang bị kiến thức liên quan đến đánh giá, kiểm nghiệm chất lượng của thành phẩm cũng như về quy trình sản xuất thuốc,… Sau khi tốt nghiệp, bạn sẽ làm việc tại các Trung tâm kiểm định chất lượng hoặc các vị trí giám sát quá trình sản xuất tại các Công ty dược.
- Sản xuất và phát triển thuốc: Theo đuổi ngành học này giúp bạn hiểu về tính chất của thuốc, nguyên lý về kỹ thuật bào chế nhằm sản xuất ra các loại thuốc có giá trị sử dụng tốt nhất.
- Quản lý cung ứng thuốc: Thiên nhiều về Kinh tế và Pháp luật, chuyên ngành Quản lý cung ứng thuốc cung cấp các kiến thức về cách đánh giá và giải pháp cải thiện năng suất, chất lượng trong quá trình cung ứng; giúp bạn nắm rõ về những chính sách pháp luật trong hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng;…
Vì sao nên học ngành Dược?
Trong xu thế chung của thế giới, ngành dược học được coi là một ngành nghề hết sức tiềm năng, có sức hút với rất nhiều bạn học sinh và các bậc phụ huynh đang đứng trước ngưỡng cửa chọn trường và ngành học. Khi lựa chọn học dược, bạn sẽ không phải lo lắng quá nhiều về vấn đề thất nghiệp bởi các vị trí thuộc ngành này ở Việt Nam và trên thế giới luôn sẵn sàng; các công ty dược cũng như các hãng thuốc có nhu cầu tuyển dụng nhân sự rất lớn đã tạo ra cơ hội việc làm rộng mở về ngành dược.
Theo cáo báo, nhu cầu nhân lực ngành dược hiện nay của Việt Nam là 25.000 người, trong đó có 16.000 người tham gia vào quá trình sản xuất và phân phối thuốc; khoảng 7000 dược sĩ tại các nhà thuốc. Đặc biệt ngành Y tế nước ta vẫn luôn trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao ngành dược. Hiện nay, số người có trình độ Đại học trở lên mới chỉ đạt khoảng 19%, trong đó có 1,21% tiến sĩ và 1,73 thạc sĩ dược học.
Mặc dù số lượng dược sĩ được đào tạo tốt nghiệp các trường cao đẳng và đại học dược ra trường hàng năm đều rất lớn nhưng vẫn chưa đủ để cung cấp cho thị trường. Vì thế, trong tương lai, các trường cần phải tăng cường đào tạo nguồn nhân lực Dược sĩ mới có thể đáp ứng được cơ bản nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày một tăng của người dân.
Không những thế, kế hoạch tổng thể phát triển Ngành Y tế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định: “Ngành Dược là ngành kinh thế kỹ thuật mũi nhọn”. Vậy nên, có thể nói, chỉ cần bạn thực sự có quyết tâm trau dồi kiến thức và kỹ năng thì bạn sẽ dễ dàng có được một công việc ngành dược phù hợp với mức lương khá tốt.
Bạn có phù hợp với ngành Dược?
Ngoài sự chăm chỉ, khả năng học hỏi và tiếp thu lượng kiến thức khổng lồ, bạn sẽ phù hợp với ngành dược nếu có những đặc điểm sau đây:
- Thích giúp đỡ mọi người: Là một dược sĩ, bạn sẽ gặp rất nhiều bệnh nhân đau ốm hoặc cần sự giúp đỡ. Vì thế, nếu có lòng đồng cảm và yêu thích cảm giác được giúp đỡ người khác thì bạn sẽ dễ dàng tiến xa và giữ được lòng yêu nghề trong 1 khoảng thời gian dài. Bạn không chỉ được trả tiền để giúp đỡ mọi người mà còn đạt được sự hài lòng khi giúp đỡ mọi người bằng kỹ năng và kiến thức của mình.
- Yêu thích Hóa học: Cốt lõi của ngành Dược là Hóa học, môn học nghiên cứu sự tương tác và liên hệ giữa cơ thể con người với các chất hóa học trong thuốc. Vì thế, nếu không yêu thích môn Hóa thì bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi theo đuổi ngành dược.
- Có khả năng phân tích: Sở hữu kỹ năng phân tích tốt giúp bạn dễ dàng hơn trong quá trình tìm hiểu tiểu sử của bệnh nhân và đưa ra cách chữa trị phù hợp nhất cho họ.
- Kỹ năng giao tiếp tốt: Là một dược sĩ, bạn dành phần lớn thời gian để giao tiếp với bệnh nhân, chủ yếu là kê đơn thuốc. Bạn cần giải thích dễ hiểu và rõ ràng cho họ về sự cần thiết của một loại thuốc cụ thể và bất kỳ tác dụng phụ nào có thể xảy ra.
Sinh viên học Dược ra làm gì?
“Học ngành Dược ra làm gì?” là một trong những câu hỏi của rất nhiều bạn trẻ đang tìm hiểu về ngành Dược. Sau khi được trang bị khối kiến thức khổng lồ từ trường dược, các bạn sinh viên tốt nghiệp có thể thử sức với rất nhiều vị trí việc làm khác nhau:
- Làm việc tại khoa Dược tại các bệnh viện
- Làm việc tại các Công ty sản xuất thuốc với các vị trí: nghiên cứu sản phẩm, quản lý sản xuất, kiểm soát chất lượng, marketing, cung ứng…
- Làm việc tại các trung tâm kiểm nghiệm với vai trò chuyên viên kiểm định chất lượng thuốc, phát hiện thuốc giả hoặc thuốc kém chất lượng.
- Tự làm chủ tại các nhà thuốc tư nhân, trực tiếp tư vấn và bán thuốc theo đơn của bác sĩ.
- Làm việc tại các cơ sở sản xuất, chịu trách nhiệm nghiên cứu, bào chế và theo dõi quy trình sản xuất
Có thể nói, triển vọng và cơ hội làm việc của sinh viên ngành Dược rất rộng mở ở tất cả các chuyên ngành trong ngành Dược. Theo Thống kê của Bộ Lao động Mỹ, mức thu nhập trung bình cho nhân sự ngành dược là 136.030/năm và 65.40 USD/giờ. Vì vậy, nếu yêu thích dược học, hãy cố gắng học tập và trau dồi cho bản thân thật nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tế để sớm đạt được mức lương và vị trí công việc như mong muốn nhé!